Giỏ hàng

Top 9 các món ăn Việt Nam đặc sản 3 miền, ăn là ghiền

Đặc trưng về văn hoá, du lịch của một quốc gia hay vùng miền thường được thể hiện rõ nét thông qua văn hoá ẩm thực, đặc biệt là thông qua các món ăn đặc sản độc đáo. Việt Nam không chỉ nổi bật với nền văn hóa đa dạng mà còn là một kho tàng ẩm thực phong phú, phản ánh bản sắc riêng biệt của từng vùng miền. Vậy những nét đặc trưng trong ẩm thực của miền Bắc, miền Trung và miền Nam là gì? Món ăn Việt Nam đặc sản 3 miền gồm những món gì? Hãy cùng Jamlos tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây! 

Đặc sản miền Bắc

Những món ăn miền Bắc thường mang hương vị thanh đạm, nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Ngoài ra, đặc trưng của đa số các món ăn của miền Bắc thường không quá cay, ngọt hay béo như những vùng miền khác. Thay vào đó, những nguyên liệu phổ biến thường được dùng trong nền ẩm thực miền Bắc gồm các loại rau, củ, thịt, hải sản,... Dưới đây là một số món ăn đặc sản  của miền Bắc:

Phở bò Hà Nội

Một trong những món ăn đặc trưng của Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc, được bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích nhất chính là phở. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của phở, trong đó một giả thuyết cho rằng phở bắt nguồn từ món ngưu nhục phấn của người Quảng Đông ở Hà Nội. Món ăn này được kết hợp từ bún, thịt bò và nước sốt nấu từ thịt nhưng thiên về vị thuốc bắc. Ngoài ra, quán phở đầu tiên được biết đến là quán phở của người Hoa nằm ở phố Gỗ mặc dù rất khó để chứng minh quán này phục vụ món phở hay món ngưu nhục phấn. 

Đặc trưng của phở Hà Nội nằm ở nước dùng ngọt thanh được nấu từ xương, hòa quyện cùng bánh phở dai mềm, những miếng thịt bò tươi ngon, và một ít rau, hành, ớt. Tất cả tạo nên một hương vị khó quên, khiến thực khách không thể cưỡng lại. Theo trang VNExpress, phở đã được vinh danh trong top 20 món súp và đồ ăn có nước ngon nhất thế giới do CNN công bố vào năm 2024.

Nguồn: Newsun 

Bún chả 

Bún chả được coi là một trong những món ăn phổ biến của Việt Nam, đặc biệt là khi nhắc đến các món ăn phổ biến của miền Bắc. Cụ thể, bún chả là món ăn xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVIII tại các hàng quán nhỏ trên những con phố của Hà Nội. Đến thế kỷ XX, món ăn này trở thành một trong những nét đặc trưng của nền ẩm thực Bắc bộ. 

Một phần bún chả thường bao gồm bún tươi mềm mại, thịt heo nướng cùng với chả và các loại rau sống như dưa leo, rau thơm, và nước chấm - được xem là linh hồn của món bún chả. 

Nguồn: Poseidon 

Bún đậu mắm tôm 

Bún đậu mắm tôm được biết đến là một trong những món ăn nổi tiếng và hấp dẫn ở Việt Nam. Theo nhiều người thì món ăn này có nguồn gốc từ Hà Nội, với những thành phần đơn giản gồm bún, đậu hủ chiên, rau sống, và đặc biệt là mắm tôm - linh hồn của món ăn. Sự hòa quyện giữa vị đậm đà của mắm tôm, độ giòn béo của đậu hũ chiên, cay nồng của ớt và chua nhẹ của chanh tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo khiến món ăn này trở nên nổi tiếng khắp Hà thành. 

Ngày nay, bún đậu mắm tôm đã được “phát triển” với nhiều thành phần đa dạng hơn như chả cốm, lòng, dồi rán, và nem chua rán,... làm phong phú thêm hương vị. Ngoài việc thưởng thức với mắm tôm, thực khách còn có thể chọn nước mắm, nước tương hoặc tương ớt để ăn kèm với bún đậu. 
 

Nguồn: Đậu Homemade

Đặc sản miền Trung

So với ẩm thực của các vùng miền khác, ẩm thực miền Trung thường mang hương vị đậm đà, cay và mặn. Đặc biệt, ớt là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của hầu hết người dân miền Trung góp phần tạo nên sự đặc trưng riêng cho các món ăn.

Bún bò Huế 

Là một trong những món ăn đặc trưng của Việt Nam, bún bò Huế không chỉ nằm trong top 100 món ăn sáng ngon nhất thế giới mà còn chiếm trọn trái tim của thực khách trong và ngoài nước. Về nguồn gốc, món ăn này có nguồn gốc từ thế kỷ XVI tại làng Vân Cù, tỉnh Thừa Thiên Huế - ngôi làng nổi tiếng với truyền thống làm bún tươi.

Nước dùng của bún bò Huế được hầm từ xương bò, hòa quyện cùng hương thơm của sả và vị ruốc đặc trưng, tất cả đã tạo nên một nồi nước lèo đậm đà. Mỗi tô bún bò Huế thường đi kèm với các nguyên liệu như thịt bò, giò heo, chả, và đặc biệt là một ít rau sống, chanh, ớt tươi. 

Nguồn: Fohla Food

>>> Xem thêm: Túi Cross A Food

Cao lầu 

Cao lầu là một trong những món ăn nổi tiếng và đặc trưng của Việt Nam, đặc biệt là tại miền Trung. Theo nhiều tài liệu lịch sử, cao lầu có nguồn gốc từ thế kỷ XVII tại cảng Hội An, và món ăn này được xem như là sự "kế thừa" từ nhiều nền ẩm thực khác nhau. Ngoài ra, tên gọi cao lầu mang ý nghĩa tượng trưng cho một món ăn cao lương mỹ vị, thường được thưởng thức ở lầu cao. 

Cao lầu bao gồm các thành phần chính như nước dùng hơi sệt được hầm từ xương cùng với sợi mì đậm đà, dai và cứng. Món ăn còn có vài lát thịt xá xíu đậm vị, bánh đa mè giòn rụm, một ít đậu phộng rang và rau sống. Năm 2020, cao lầu vinh dự nằm trong danh sách những món mì nên thử khi du lịch tại Việt Nam. 

Nguồn: VnExpress

Mì Quảng 

Mì Quảng là món ăn “giao thoa” giữa hai nền ẩm thực Hoa và Việt. vào thế kỷ XVI, Hội An là một nơi giao thương giữa các quốc gia với nhau, các thương lái người Trung Quốc thường đem theo một món ăn được làm từ bột mì sang Việt Nam dẫn đến sự ra đời của món ăn này. 

Mì Quảng được “đúc kết” từ nhiều nguyên liệu phong phú tạo nên sự đa dạng về sắc màu và hương vị. Thông thường một tô mì Quảng ngon thường bao gồm các thành phần như thịt heo, thịt gà, trứng cút, cùng với các loại rau sống tươi mát. Nước dùng của mì Quảng thường có vị ngọt thanh, đi kèm với những sợi mì dày, mềm mại, tạo nên sự hài hòa trong từng miếng ăn.

Nguồn: Chudu24

Đặc sản miền Nam

Miền Nam Việt Nam là vùng đất không chỉ đa dạng về văn hóa mà còn phong phú về tài nguyên thiên nhiên, với nhiều nông sản màu mỡ. Cụ thể, ẩm thực miền Nam mang trong mình hương vị đa dạng, từ ngọt, chua đến cay thể hiện sự hòa quyện giữa nhiều nền ẩm thực khác nhau. Dưới đây là một số món ăn đặc trưng của miền Nam mà bạn nên thử:

Bánh mì Sài Gòn 

Một trong những món ăn đặc trưng của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung chính là bánh mì. Vào khoảng thế kỷ XIX, bánh baguette (hay còn gọi là bánh mì Pháp), lần đầu được “du nhập” vào Việt Nam và chỉ phục vụ cho người Pháp và tầng lớp thượng lưu. Đến những năm 50 của thế kỷ XX, người dân ở Sài Gòn đã “biến tấu” loại bánh này tạo ra món bánh mì độc đáo. Chiếc bánh baguette này được “biến tấu” trở nên ngắn, nhỏ gọn hơn, đặc biệt là sử dụng các nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam cho phần nhân của bánh mì. 

Trong khoảng thời gian này, phần nhân bánh mì chủ yếu là thịt nguội, pate và một ít rau. Món ăn này nhanh chóng “lan rộng” ra nhiều nơi và trở thành món ăn phổ biến trong đời sống mọi người. Do nhu cầu đa dạng của nhiều người, các nguyên liệu từ đó cũng đa dạng lên như gà xé, thịt nước, xíu mại, nem nướng, bò lá lốt, heo quay,... Năm 2023, bánh mì được trang ẩm thực thế giới Taste Atlas xếp vào top 100 món bánh sandwich ngon nhất thế giới và được bạn bè quốc tế biết đến thông qua cái tên “banh mi” thay vì là Vietnamese baguette.  

Nguồn: MIA.vn 

Cơm tấm 

Là một trong những món ăn đặc trưng của Sài Gòn và xếp thứ 11 trong top 100 những món ăn làm từ gạo ngon nhất trên thế giới do Taste Atlat công bố năm 2024, cơm tấm đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân miền Nam và dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. 

Về nguồn gốc, cơm tấm là một món ăn đường phố khá phổ biến với người dân lao động tại Sài Gòn từ thời Pháp thuộc. Cụ thể, hạt gạo tấm là những hạt gạo rơi vụn trong quá trình xay xát gạo tại các nhà máy, có thể dùng thay cơm trong bữa ăn hằng ngày vì giá thành lại rẻ. Một dĩa cơm tấm lúc đó chủ yếu có cơm tấm, nước mắm ngọt và mở hành. Vì có nhiều người nước ngoài sinh sống vào thời điểm đó nên cơm tấm cũng được biến tấu với các món ăn kèm được bày trên chiếc dĩa lớn và được ăn bằng muỗng và nĩa. Ngày nay, một dĩa cơm tấm thường được ăn kèm với miếng sườn cốt lết nướng thơm ngon, một miếng chả trứng được nêm nếm trọn vị được rưới lên một lớp nước mắm kẹo ngon. 

Nguồn: Internet 

Hủ tiếu (tíu) Nam Vang 

Một trong những món ăn nổi tiếng tại miền Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Tây chính là hủ tiếu Nam Vang (hủ tíu Nam Vang). Hủ tiếu đã trở thành món ăn đường phố phổ biến từ những năm 50 của thế kỷ XX, mặc dù có nhiều loại hủ tiếu khác nhau như hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Sài Gòn, nhưng hủ tiếu Nam Vang vẫn nổi bật với hương vị đặc trưng riêng. 

Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Phnom Pênh nhưng được chế biến bởi người Hoa rồi du nhập về Việt Nam. Thành phần chính để làm nên món ăn này là sợi hủ tiếu khô được làm từ loại gạo thượng hạng, nước lèo được nấu công phu ăn kèm với thịt nạc, gan heo, tôm, mực, trứng cút, hành phi, tỏi phi và rau. Hủ tiếu Nam Vang có thể ăn khô hoặc ăn nước. Nhờ vào nước lèo trong, thơm ngát cùng nguyên liệu tươi ngon, hủ tiếu Nam Vang thơm ngon trứ danh. 

Nguồn: Báo Lao Động

Tổng kết 

Trên đây là những thông tin thú vị về 9 món ăn Việt Nam nổi bật của ba miền Việt Nam. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ khám phá được nhiều món ăn ngon để thưởng thức trong chuyến du lịch của mình. Đừng quên ghé thăm blog của Jamlos để tìm thêm nhiều thông tin hữu ích về những xu hướng hiện nay nhé!