Chuẩn bị gì cho chuyến đi phượt ngắn ngày?
Đi phượt từ lâu đã là một khái niệm không quá xa lạ đối với các bạn trẻ yêu thích du lịch nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Cùng Jamlos tìm hiểu về hình thức du lịch đầy độc đáo này và việc chuẩn bị như thế nào để có một chuyến đi an toàn, hấp dẫn và khám phá được nhiều điều thú vị nhé!
1. Đi phượt là gì?
Không có một định nghĩa rõ ràng nào về đi phượt, nói đơn giản đi phượt chính là sự cảm nhận, giao thoa và hòa mình vào thiên nhiên, ngày nay người ta còn định nghĩa nó với cái tên quen thuộc hơn là “du lịch bụi”. Những người tham gia vào hình thức này sẽ yêu thích việc đắm mình vào những chuyến hành trình đầy bụi bặm, đầy nắng ấm hay gió trời mát mẻ. Thông thường, “dân phượt” sẽ sử dụng xe máy để trải nghiệm chuyến hành trình này, đảm bảo cho việc tiếp xúc với thiên nhiên một cách gần gũi và sống động nhất.
Cre: Pinterest
Ở những người chuyên đi phượt, họ sẽ xem đây là một chuyến du lịch ngắn ngày, không có kế hoạch cụ thể, không có những người hướng dẫn viên tận tình hướng dẫn về địa điểm mà họ sắp đến, không có những tiện nghi hay các dịch vụ nghỉ ngơi thư giãn tiện lợi. Họ chỉ đi với sự tò mò, với niềm đam mê khám phá vùng đất mới, chân trời mới và hoàn toàn đắm chìm vào những điều thú vị mà họ phát hiện được.
2. Những lý do khiến đi phượt ngày càng trở nên phổ biến
Đi phượt là chuyến hành trình đầy đam mê:
Mục đích quan trọng nhất mà “dân phượt” quan tâm đó chính là những vùng đất mới mà họ khám phá được trong chuyến hành trình của mình. Những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, hoang sơ và hùng vĩ đôi khi ẩn mình sâu trong những chuyến đường đầy trập trùng, cheo leo mà du lịch nghỉ dưỡng bình thường sẽ khó có thể phát hiện được.
Có thể nói, những chuyến đi phượt chưa bao giờ thiếu những hiểm nguy, những khó khăn từ thiên nhiên, những thách thức từ thời tiết và đôi khi vấn đề có thể đến từ chính sức khỏe của những người tham gia một chuyến đi phượt.
Các yếu tố cả bên trong và bên ngoài đòi hỏi những người tham gia đi phượt phải thật sự đam mê, phải có sức khỏe và sức bền để có thể hoàn thành một cách trọn vẹn nhất.
Cre: Pinterest
Chuyến hành trình khám phá bản thân mình:
Đi phượt chính là cơ hội để mỗi cá nhân được khám phá giới hạn của chính bản thân mình. Có những trải nghiệm thực tế đầy mạo hiểm và khó khăn, đòi hỏi những người tham gia phải đầy bản lĩnh, kiên trì và nhạy bén trong nhiều tình huống khác nhau.
Chính vì thế, đi phượt chính là một cơ hội để bạn khám phá ra những khía cạnh khác ở bản thân mình mà đôi khi chúng ta chưa phát hiện ra trong cuộc sống đời thường.
Cre: Pinterest
3. Chuẩn bị gì cho một chuyến đi phượt ngắn ngày:
3.1. Quần áo và giày dép:
Đi phượt dĩ nhiên sẽ khác với các hình thức du lịch nghỉ dưỡng khác. Sẽ không phải là những bộ quần áo cắt xẻ điệu đà, kiểu dáng cầu kỳ nhiều hoạ tiết hay thẩm mỹ cao. Bạn sẽ cần những bộ quần áo gọn nhẹ, dễ giặt, dễ khô và tiện dụng trong việc gập nhỏ, đương nhiên vẫn phải đảm bảo yếu tố vừa đủ dày dặn để che chắn cho cơ thể.
Ngoài ra bên cạnh quần áo bên ngoài thì đồ lót bên trong cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong môi trường đặc thù không có nhiều điều kiện tiện nghi. Những món đồ mỏng, thoáng khí hoặc cân nhắc đến các loại đồ lót dùng 1 lần có thể tự phân huỷ hữu cơ, vừa phù hợp cho chuyến đi ngắn ngày, vừa đảm bảo vấn đề vệ sinh và thoải mái cho cơ thể.
Một đôi giày đi phượt cũng nên được đầu tư kỹ lưỡng. Đảm bảo sự vừa vặn, chất liệu chắc chắn, dày dặn để vượt qua các địa hình đôi khi trắc trở không bằng phẳng. Giày cũng phải êm chân, thoáng khí để thoải mái khi sử dụng.
Chỉ cần một chiếc balo du lịch hoặc một chiếc túi trống du lịch có kích cỡ vừa phải, chất liệu dày dặn để chống chịu với sự “va chạm” với tự nhiên đã đủ để đựng một vài bộ đồ để thay đổi và giày dự phòng trong trường hợp hư hại không sử dụng được. “Dân phượt” chính hiệu sẽ thường buộc những chiếc túi này sau xe để không chiếm quá nhiều không gian, diện tích của xe, song song đó là sự thoải mái cho người ngồi.
3.2. Vật dụng cá nhân và giấy tờ tùy thân:
CMND/CCCD, các loại giấy tờ xe là những thứ luôn phải mang theo bên người. Đừng nghĩ đi phượt thì sẽ chẳng ai xem đến chúng, bạn sẽ không biết được những tình huống cần xuất trình giấy tờ ở các địa phận khác nhau sẽ diễn ra bất chợt như thế nào nên hãy chuẩn bị đầy đủ để không làm gián đoạn chuyến hành trình của mình nhé.
Các vật dụng cần thiết có thể kể đến như bàn chải, kem đánh răng trong trường hợp không thích sử dụng các vật dụng này của nhà nghỉ hay khách sạn. Đôi khi đối với các trường hợp không có nơi lưu trú và phải sinh tồn trong tự nhiên, việc đảm bảo vệ sinh răng miệng cũng góp phần tạo sự thoải mái.
Một chiếc áo mưa toàn thân, nón hay găng tay dài cho các trường hợp thời tiết có nhiều biến đổi thất thường. Ngoài ra, bạn cũng nên trang bị một vài loại khăn thấm nước tốt, để lau tay hay lau mặt và cơ thể.
Cre: Pinterest
Với những nơi có thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, một vài món đồ dưỡng da cơ bản như kem chống nắng có SPF (Sun Protection Factor) cao, quang phổ rộng sẽ giúp bảo vệ làn da và sức khỏe của bạn.
Những vật dụng kể trên có thể cần một chiếc túi đeo chéo, dễ dàng mang trên cơ thể hoặc để trên xe mà không chiếm nhiều diện tích. Đảm bảo cho việc dễ lấy và sử dụng trong các trường hợp cần thiết.
3.3. Các loại thuốc và túi y tế:
Các vật dụng rất hay bị bỏ qua khi đi phượt, những thiết bị sơ cứu đơn giản hay các loại thuốc thông dụng cơ bản là rất cần thiết vì bất kỳ trường hợp xấu nào cũng có thể xảy ra. Bông gạc, băng dán urgo hay oxy già, thuốc đỏ để sơ cứu những vết thương nhỏ không quá nguy hiểm để đảm bảo vết thương không nhiễm trùng hay trở nên tệ hơn. Salonpas, dầu xoa bóp cho những trận căng cơ, mỏi mệt cơ thể. Các loại thuốc xịt, bôi trị côn trùng để phòng ngừa và xử lý vết đốt từ các loại sinh vật trong tự nhiên.
Cre: Internet
Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc hạ sốt, đau bụng, nhức đầu, ho, cảm,... cũng nên được chuẩn bị đầy đủ để phòng ngừa những trường hợp sức khỏe có vấn đề hay không thoải mái. Bên cạnh đó, trước, trong và sau chuyến đi phượt, bạn cũng nên cung cấp đủ nước cho cơ thể và bổ sung thêm vài loại vitamin có lợi cho sức khoẻ để tăng hệ miễn dịch.
3.4. Các thiết bị hỗ trợ khác:
Những thiết bị không bắt buộc nhưng có thể hữu ích trong chuyến du lịch ngắn ngày như đi phượt trong điều kiện có xu hướng sinh tồn và thử thách. Có thể kể đến là bộ dụng cụ tích hợp nhiều công dụng để vừa tiện ích khi sử dụng lại tiết kiệm diện tích. Dây thừng hay đèn pin chuyên dụng siêu sáng để sử dụng trong các trường hợp cần thiết như leo núi, trèo đèo.
Một chiếc bật lửa để có thể đánh lửa để nấu ăn đơn giản hay sưởi ấm hoặc xua đuổi thú hoang khi trải nghiệm sinh tồn trong rừng, núi. Túi ngủ để giấc ngủ được an toàn, giữ độ ấm cho cơ thể.
Cre: Pinterest
Ngoài ra, bạn cũng cần một thiết bị điện tử có kết nối ổn định để định vị và liên lạc được với mọi người, phòng ngừa các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra mà không ai phát hiện bởi đi phượt chưa bao giờ là hoạt động có thể xem nhẹ về độ nguy hiểm và trải nghiệm sinh tồn khó khăn, thử thách. Bất kỳ trường hợp nào cũng có thể xảy ra nếu không chuẩn bị đầy đủ.
Mong rằng với những chia sẻ của Jamlos, bạn đã có thể tự trang bị cho mình những món đồ cần thiết để có thể bắt đầu chuyến đi phượt đầy hấp dẫn, khám phá được nhiều điều thú vị.
Nội dung & Hình ảnh: TPY - Marketing Assistant of Jamlos
Call me Ín - naturally introverted, selectively extroverted.