Giỏ hàng

Series hiểu nghề: Kế toán, kiểm toán & những điều cần biết

Series hiểu nghề: Kế toán, kiểm toán & những điều cần biết

Kế toán kiểm toán hay Accounting nói chung là một ngành nghề nhận được rất nhiều sự yêu thích, tò mò tìm hiểu từ rất nhiều bạn trẻ mỗi khi đến giai đoạn xác định sự nghiệp và con đường tương lai quan trọng của mỗi người. 

Bài viết dưới đây sẽ giúp cho bạn hiểu rõ hơn về ngành nghề này nếu bạn có ý định gia nhập vào cộng đồng những bạn trẻ mong muốn phát triển bản thân trong thị trường của ngành kế toán kiểm toán. Cùng Jamlos tìm hiểu ngay nhé!

1.Kế toán kiểm toán là gì?

Hai khái niệm kế toán kiểm toán thực chất có một sự khác biệt, nhưng nhìn chung đây đều là quá trình giải mã những con số trong doanh nghiệp.

  • Kế toán: là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động (Luật Kế toán). Cụ thể hơn kế toán là quá trình thu thập, ghi nhận, xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đây cũng là quá trình lưu trữ và trình bày một cách có hệ thống để phục vụ cho các đối tượng sử dụng như: chủ doanh nghiệp, người quản lý, nhà đầu tư, người cho vay, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước,...Có thể nói rằng kế toán là công việc biến những con số khô khan trên giấy tờ trở nên sống động và như “biết nói” trước những người chủ doanh nghiêp, các lãnh đạo, nhà đầu tư,...

Kế toán Kiểm toán là gì?

  • Kiểm toán:  Một khái niệm với một ít sự khác biệt hay bị nhầm lẫn khác chính là Kiểm toán, đây là một công việc có mối liên hệ vô cùng mật thiết với nghiệp vụ của vị trí Kế toán. Kiểm toán là việc kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của kiểm toán viên về báo cáo tài chính, sản phẩm cuối cùng và quan trọng nhất của quá trình kế toán tại một doanh nghiệp. 

Người làm kiểm toán thường phải dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm về công tác kế toán. Tóm lại, những kiểm toán viên thường được xem là những người chuyên chịu trách nhiệm kiểm tra các số liệu và các nghiệp vụ mà kế toán trong doanh nghiệp đang đảm nhận, đảm bảo đó là con số minh bạch và không dẫn đến những rắc rối gây vấn đề cho tổ chức, doanh nghiệp. 

2. Cơ hội nghề nghiệp

Kế toán –  Kiểm toán luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bất kì tổ chức hay doanh nghiệp nào vì đây là một trong những vị trí chủ chốt và như một bệ nâng đỡ để 1 doanh nghiệp vận hành trơn tru. 

Hay nói cách khác, sở dĩ vị trí này luôn cần và không thể thay thế chính là do sản phẩm của bộ máy này, kết quả  từ chính những hoạt động của doanh nghiệp sẽ phản ánh được tình hình tài chính của doanh nghiệp đó.

Điều đó phản ánh vô cùng rõ ràng ở các con số và sau khi xem qua những báo cáo với “dày đặc” các loại số liệu chuyên sâu, phức tạp, các nhà quản trị có thể từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn để giữ nguyên và phát triển những con số tốt hay cải thiện và chú trọng vào những phần có số liệu chưa được khả quan. 

Nói cách khác, những con số mà những Kế toán Kiểm toán  tính toán được có thể giúp một công ty tiếp tục phát triển hoặc mãi “dậm chân tại chỗ” nếu những người quản lý không nhìn ra được vấn đề. 

tầm quan trọng của Kế toán Kiểm toántầm quan trọng của Kế toán Kiểm toán

Trong thời đại công nghệ số và hội nhập ngày nay, cơ hội của ngành nghề Kế toán Kiểm toán lại càng rộng mở hơn nữa khi các doanh nghiệp đa quốc gia ngày càng mở rộng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cần một nguồn nhân lực lớn với trình độ chuyên môn cao để đảm nhận vị trí quan trọng tại doanh nghiệp. Cũng từ đó, số lượng và vị trí tuyển dụng hằng năm của Kế toán Kiểm toán là rất nhiều và đa dạng các cấp bậc khác nhau trong tổ chức. 

Điển hình cho lĩnh vực này là các công ty BIG4 vô cùng nổi tiếng và là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ mỗi khi đề cập đến ngành Kế toán Kiểm toán, cụ thể là EY, Deloitte, PwC, KPMG, hằng năm mỗi công ty nhận được hàng ngàn đơn ứng tuyển vào với các vị trí thực tập cho thấy mức độ cạnh tranh vô cùng cao nhưng đi kèm là những hậu đãi vô cùng đáng giá của một doanh nghiệp toàn cầu.

big4 kiểm toán

Theo các báo cáo và khảo sát tại thị trường, tổng số công ty kiểm toán được phép hoạt động ở Việt Nam là khoảng hơn 100 công ty. Điều đó cho thấy những kế toán kiểm toán viên nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong một tổ chức, doanh nghiệp và cũng vì thế, cơ hội nghề nghiệp tại lĩnh vực Accounting luôn chưa bao giờ “hạ nhiệt” đối với những người yêu mến. 

3. Xây dựng phẩm chất và tố chất cần thiết cho những Kế toán Kiểm toán tương lai

Bất kì một lĩnh vực hay ngành nghề nào cũng có những yêu cầu về ngành nghề rất đặc thù và riêng biệt. Chính vì thế Kế toán Kiểm toán cũng không phải ngoại lệ. Ở lĩnh vực này, khi chiếm giữ một vị trí quan trọng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận vô cùng cao cùng khối kiến thức vững chắc, sâu rộng, sẽ có những tố chất cần rèn giũa mỗi ngày mới có thể tạo nên nguồn nhân lực Accounting chuyên nghiệp và có chuyên môn cao cho thị trường lao động. 

  • Cẩn trọng, tỉ mỉ

Như đã đề cập, Kế toán – Kiểm toán là 1 ngành nghề làm việc thường xuyên với các con số, khác với những con số trong học thuật bình thường tại môi trường giáo dục,  những con số mà một Kế toán Kiểm toán viên phải làm việc hằng ngày đều mang tính pháp lý, điều đó có nghĩa là các con số ấy đều liên quan đến pháp luật, gắn liền với kinh tế chính trị.

kĩ tính trong công việc Kế toán Kiểm toán

Điều này đòi hỏi bạn phải có sự cẩn thận và tỉ mỉ cực kì cao vì đôi khi chỉ với 1 sai sót cũng có thể khiến công ty của bạn gặp rắc rối không nên có. Song, không chỉ đối với riêng doanh nghiệp mà ngay cả chính bạn cũng sẽ gặp rắc rối với một cái giá rất lớn nếu thiếu đi sự kỹ tính trong công việc của một Accounting tương lai.

  • Trung thực, trách nhiệm

Tiếp theo, bạn cũng cần phải giữ được thái độ trung thực vì trách nhiệm đặt lên bạn là rất lớn. Nói không quá khi những báo cáo, những số liệu và dữ liệu mà bạn cung cấp tạo một ảnh hưởng vô cùng lớn cho sự phát triển hay “diệt vong” của một doanh nghiệp trên thị trường vô cùng cạnh tranh. Một trong những lý do có thể kể đến là do công việc của bạn ảnh hưởng đến việc ra quyết định của những người liên quan. 

kế toán kiểm toán giữ vị trí quan trọng trong phát triển doanh nghiệp

Những người quản lý hay điều hành nhìn vào đó để lập nên những kế hoạch, định hướng cho doanh nghiệp. Nếu những con số mà bạn báo cáo có vấn đề, gây tổn thất cho công ty, bạn cũng sẽ phải chịu một trách nhiệm lớn về pháp lý trước pháp luật, Vì thế, việc giữ một thái độ làm việc trung thực và trách nhiệm đối với công việc là một phẩm chất quan trọng trong ngành Kế toán Kiểm toán nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.

  • Khả năng tổ chức và làm việc dưới áp lực

Bất kỳ công việc hay ngành nghề nào cũng sẽ sở hữu những áp lực riêng cho nhân sự tại ví trí đó. Trong đó, riêng ở khối ngành kinh tế tài chính và công việc của Kế toán Kiểm toán là cực kỳ lớn. 

Phải kể đến là trong giai đoạn cuối kỳ lập báo cáo tài chính và kiểm toán. Những giai đoạn cuối quý, cuối năm cần sự tính toán với khối lượng dữ liệu lớn cùng với “hàng tá” con số nhan nhãn có thể làm bạn hoa mắt. Đôi khi bạn sẽ phải làm việc ngày đêm để hoàn thành đúng deadline. 

cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Vì vậy, bạn cần có khả năng chịu áp lực tốt để có thể cân bằng được công việc với cuộc sống cá nhân, song song đó là phải biết tự mình tìm được niềm vui, động lực trong áp lực để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Làm càng nhiều, trách nhiệm càng lớn thì những gì bạn bỏ ra cũng sẽ được nhận lại với một mức sống tương ứng. 

Trên đây là một vài thông tin mà Jamlos muốn gửi gắm đến những ai sắp, đang và sẽ theo học ngành Kế toán Kiểm toán, mong rằng bạn vẫn luôn giữ được sự yêu thích với ngành để có thể sống hết mình, làm việc hết mình mỗi ngày bạn nhé!

Nội dung & Hình ảnh: TPY - Marketing Assistant of Jamlos 

Call me Ín - naturally introverted, selectively extroverted.